Sửa laptop coi chừng bị… “luộc”!   Leave a comment

(TNTS) Thời buổi bùng nổ thông tin, công nghệ cao, nhà nhà, người người đều có laptop. Và một nghề mới ra đời: “bác sĩ” vi tính. Thế nhưng, “bác sĩ” vi tính cũng có người tốt, người xấu. Người tốt thì giúp các laptop “lành bệnh”, người xấu lại tiến hành “cắt mổ nội tạng”, mua bán…
Từ bệnh nhẹ thành bệnh nặng
L
ân la đến các “bệnh viện” máy tính, chúng tôi gặp nhiều người mang laptop đến sửa lần hai, lần ba trở lên. Trong đó, nhiều người ấm ức vì… tiền mất tật mang mà “bệnh tình” của máy chẳng thuyên giảm, thậm chí còn nặng hơn. Tại một cửa hàng sửa laptop T.P ở Q.1, TP.HCM, tôi gặp anh Trần Văn Minh đang cãi nhau với kỹ thuật viên (KTV) ở đây về cục sạc. Vẻ mặt tức tối, anh Minh quyết đòi lại bằng được cục sạc laptop hiệu Dell chính hiệu của mình, đang bị “phanh thây” trên bàn “mổ”. Anh Minh bức xúc: cục sạc của tôi chỉ bị vật bén cắt đứt chút vỏ bọc bên ngoài và vẫn còn hoạt động tốt, nhưng để đảm bảo an toàn nên tôi vẫn mang đi thay dây.
K
hông ngờ lúc mang về sử dụng, dây mới nhưng pin chỉ sạc được phân nửa thì ngưng. Xem kỹ lại tôi phát hiện cục sạc đã bị tháo ra. Lập tức tôi quay lại yêu cầu kiểm tra lại thì KTV nói ngắn gọn: “Cục sạc đã bị hỏng, thay linh kiện mới khoảng 500.000 đồng”. Tôi khẳng định không thể có chuyện đó vì hàng mua chưa đầy hai tháng và chưa bao giờ bị rớt hay bị lực mạnh tác động vào”. Còn KTV khẳng định, công ty chỉ thay dây chứ không mở cục sạc. Dù rất ấm ức nhưng cuối cùng anh Minh đành mang “cục tức” lẫn cục sạc về làm… kỷ niệm và mua cục sạc khác dùng.
T
ương tự, anh Tấn Hưng (Q.7, TP.HCM) chưa hết bức xúc khi nhắc lại chuyện chiếc laptop thuộc hàng xịn của mình bị “luộc” cả màn hình lẫn linh kiện. Theo anh Hưng, bệnh của máy anh là hư ổ cứng. Anh mang đi sửa ở công ty N.H (Q.1). “Bác sĩ” viết giấy hẹn ngày sau lấy. Lúc nhận lại máy, họ khởi động cho tôi xem, vì thấy máy chạy tốt nên tôi yên tâm mang về dùng. Nhưng, sử dụng được vài hôm, tôi phát hiện màn hình LCD Apple trị giá trên 400 USD bị trầy xước và có một quầng ở góc trái. Không còn nghi ngờ nữa, màn hình máy tính đã bị đổi. Uất ức, anh Hưng mang máy trở lại nơi sửa đòi lại linh kiện chính hãng thì họ chối phăng. Anh từng tính chuyện kiện đơn vị này ra tòa, nhưng không có đủ bằng chứng nên phải rút lui.

C
hị Thùy Trang – người suýt bị “luộc” mất thanh ram trị giá gần 1 triệu đồng – kể lại: “Chiếc laptop của tôi thường xuyên báo lỗi khi khởi động màn hình. Tôi mang đến công ty laptop L.V “khám bệnh” thì được một “bác sĩ” ở đây báo ram bị hỏng, đề nghị thay hàng mới. Nghi ngờ họ nói dối, vì máy tôi mua chưa được 6 tháng nên tôi quyết định mang về nhờ một người bạn “chuyên trị” laptop kiểm tra giúp. Kết quả, ram chỉ bị dơ chân, lau chùi xong là hoạt động lại bình thường”.
Từ thực tế trên, có thể thấy rằng: Trong một số trường hợp, thay vì “bốc thuốc” chữa bệnh, “bác sĩ” máy tính lại “luộc” các bộ phận chất lượng cao của máy để kiếm lời. Kết quả, “con bệnh” từ bị một bệnh chuyển sang bị… bá bệnh!
Độc chiêu “luộc nội tạng”
T
ôi mang trường hợp laptop bị luộc màn hình LCD của anh Tấn Hưng đến kể cho anh Võ Uyên Bá, một KTV laptop hạng “siêu” ở TP.HCM. Anh Bá cười khì bảo: “Luộc màn hình LCD đang là chiêu số một được các “phù thủy” dùng nhiều nhất hiện nay. Vì đây là chiêu dễ thực hiện lại mang đến hiệu quả cao. Trong một ngày, chỉ cần luộc được một màn hình LCD là coi như hôm đó “đủ sở hụi”, nếu may mắn hơn, “luộc” được hàng độc như của Apple thì coi như “ấm cả tháng”. Màn hình LCD được mệnh danh là “miếng mồi” ngon, có giá từ 1-8 triệu đồng”.
T
heo anh Bá, thông thường tâm lý chung của khách hàng khi nhận máy là kiểm tra kỹ linh kiện bên trong của máy nhưng quên kiểm tra linh kiện lộ thiên và gần mắt nhất là… màn hình. Đổi màn hình tối hơn một chút thì khách hầu như rất khó nhận ra. Gặp hàng “độc” như màn hình của Apple thì rất ít “phù thủy” nào bỏ qua cơ hội “ra tay”, thậm chí nhiều khi chính hãng còn thực hiện chứ nói gì đến đơn vị chuyên sửa chữa.
“Miếng mồi” thứ hai mà các “chuyên gia” về laptop cho là dễ làm, ít bị phát hiện là pin. “Luộc” ruột pin là việc làm thường xuyên của các kỹ thuật viên không đàng hoàng. “Luộc” được một pin tốt là coi như người kỹ thuật hoặc đơn vị sửa đút túi khoảng 1,5 triệu đồng.
Ram là “miếng mồi” thứ ba. “Luộc” được một ổ ram đồng nghĩa với việc thu lợi từ 500.000 đồng – 1.000.000 đồng – một mức đủ hấp dẫn để các “phù thủy” “ra tay” khi có cơ hội. Như trường hợp của chị Thùy Trang, dù máy chị dơ chân ram hay bị hỏng đều có chung biểu hiện là chương trình trong máy chạy chập chờn, hay báo lỗi, hay yêu cầu khởi động lại… “Thay vì chân ram bị dơ phải mất công chùi thì tại sao không nói hỏng rồi thay mới luôn vừa được tiền vừa nhanh chóng” – Anh Bá lý giải.
Ổ cứng là “miếng mồi” thứ tư. Nếu như trước đây, việc “luộc” ổ cứng dễ bị phát hiện thì nay khó phát hiện hơn bằng chiêu đánh lừa cảm tính của khách. Khi một ổ cứng 160GB bị đổi thành ổ cứng 120GB thì người đổi sao chép “nguyên xi” tất cả các chương trình của ổ cứng cũ cũng như chụp cả màn hình hiển thị chuyển qua. Khách hàng hay kiểm tra bằng cách mở các chương trình ra xem và khi thấy đủ, đồng thời giao diện không có gì thay đổi thì hầu như chẳng mảy may nghi ngờ. Trung bình một ổ cứng bị giảm dung lượng, người sửa có thể thu lợi được từ 150.000 đồng – 200.000 đồng.
“Mỗi linh kiện đều có tem dán trên đó mà anh, sao có thể đổi dễ dàng?” – tôi thắc mắc. Anh Bá thở dài: “Chuyện “luộc” con tem để tránh bị phát hiện người ta thực hiện từ lâu rồi. Nếu như trước đây, người thợ dùng mũi dao cùng máy sấy tóc để bóc tem mà không bị rách, để lại dấu vết, thì nay với dòng tem mới là tem bóng, người thợ cũng có “chiêu” mới để “trị” là dùng lưỡi lam bóc ra. Tuy phải công phu hơn, một miếng tem bằng ngón tay út có thể bóc đến nửa giờ đồng hồ nhưng nếu gặp trường hợp khách quên ký tên giáp lai, quên ghi lại số sê-ri linh kiện… thì họ không tiếc thời gian, công sức…”.
Bức tử “con bệnh” để kiếm tiền
“Họ giết chết máy luôn mà người chủ cũng không thể nào biết được” – anh M.Đ, trưởng phòng kỹ thuật một công ty chuyên cung cấp và sửa laptop lớn tại TP.HCM, tiết lộ. Theo anh Đ. cảnh báo, máy có biểu hiện không lên màn hình là rất dễ bị… bức tử. Dù một bệnh, người thợ có thể nói thành đa bệnh, rồi không còn “luộc” “tái” nữa mà “luộc” đến “chín” luôn.
Laptop đã qua nhiều “bệnh viện” thì “cái chết” càng cận kề hơn, vì lúc đó khách hàng đã chuẩn bị sẵn tâm lý máy “bệnh nặng”. Người thợ thuộc họ “lừa” sẽ không ngại ngần gì mà không “luộc” hết tất cả những bộ phận còn lại trong máy rồi báo là máy hỏng nặng, không sửa được. Lúc đó, chiếc máy chỉ còn là đống sắt vụn không hơn không kém.
Chưa hết, một số thợ “gian” hơn còn thực hiện chiêu “đánh bóng tên tuổi” bằng cách phá cho máy hỏng tơi bời, đến mức không thể có nơi nào sửa được. Muốn cho máy “sống” lại, chỉ còn cách quay lại nơi sửa đầu tiên và lúc này người “bác sĩ máy tính” sẵn sàng “chặt, chém” lại được “tiếng thơm” là… giỏi. Hoặc gặp bác sĩ “ác” hơn chơi cả chiêu đổi cực linh kiện không phù hợp với máy khi khách hàng không muốn sửa nơi họ. Trường hợp này, khi mang đến đơn vị khác sửa, chỉ với hành động đầu tiên là cắm điện vào kiểm tra máy thì sẽ gây cháy máy tức khắc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên thị trường sửa chữa máy tính hiện nay có đến 1.001 chiêu “luộc” linh kiện và “bức tử” laptop – nếu gặp thợ không đàng hoàng. Một sản phẩm công nghệ cao có thể biến thành… đống sắt vụn chỉ trong khoảng vài giờ đồng hồ, thậm chí nếu kẻ gian là “phù thủy” hạng “siêu” thì chỉ mất từ 1 – 2 giờ đồng hồ. Thật là hết biết!
Cách để tránh bị “luộc”Laptop
Người chủ máy không nên ký tên trên tem mà ký tên giáp lai để tránh bị “luộc” tem.
 Ghi lại số sê-ri của tất cả linh kiện trong máy và kiên trì kiểm tra từng linh kiện một khi nhận lại máy.
 Nếu biết rõ linh kiện nào hỏng thì chỉ nên yêu cầu sửa linh kiện đó, những linh kiện nào có thể để ở nhà được thì nên để.
 Sau khi thay mới linh kiện hãy lấy linh kiện cũ về để đề phòng “tai nạn” cho người đến sau, thậm chí có thể chính bạn là “nạn nhân” trong những lần sửa sau.
 Cẩn thận với những quảng bá theo kiểu “kiểm tra laptop miễn phí” vì có thể không lấy tiền thì họ lấy linh kiện.
 Tìm đến những đơn vị có thương hiệu lớn uy tín.
(Anh Nguyễn Kiên Trung – Giám đốc kỹ thuật Công ty CP sản xuất tin học Sáng Tạo, TP.HCM)

Posted Tháng Hai 8, 2011 by nnguyennhodung in Uncategorized

Bình luận về bài viết này